Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam đang thực hiện những bước chuyển mình mạnh mẽ trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Quy hoạch điện VIII (2021–2030, tầm nhìn đến 2050) là minh chứng rõ nét cho quyết tâm đó, khi hướng đến giảm mạnh nhiệt điện than và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện khí LNG.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương trong bản cập nhật Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đã quyết định không đưa vào quy hoạch hơn 14.120 MW điện than và 1.500 MW điện khí. Đây là động thái được đánh giá rất tích cực trong việc giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời mở rộng dư địa phát triển cho các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.
Không chỉ vậy, các nhà máy nhiệt điện cũ, có mức độ ô nhiễm cao cũng sẽ được xem xét loại bỏ hoặc thay thế dần bằng các nguồn điện sạch hơn, thân thiện với môi trường.
Để bù đắp cho sự sụt giảm nhiệt điện than, Bộ Công Thương đề xuất đưa vào vận hành khoảng 2.428,42 MW điện mặt trời đã được quy hoạch và chấp thuận đầu tư, đồng thời giãn tiến độ thêm 4.136,25 MW điện mặt trời chưa có nhà đầu tư sang sau năm 2030.
Cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 dự kiến như sau:
Nguồn điện | Công suất (MW) | Tỷ trọng (%) |
Thủy điện | 26.795 – 28.946 | 19,5 – 22,1% |
Nhiệt điện than | 37.467 | 25,3 – 31% |
Nhiệt điện khí (kể cả LNG) | 29.880 – 38.980 | 24,7 – 26,3% |
Năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) | 21.666 – 35.516 | 17,9 – 23,9% |
Nhập khẩu điện | 3.937 – 5.000 | 3,3 – 3,4% |
Tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống ước đạt: 120.995 – 148.358 MW, chưa bao gồm điện mặt trời mái nhà và nguồn đồng phát.
Như vậy, tổng tỷ trọng năng lượng sạch (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió) có thể chiếm tới 46%, cộng thêm điện khí thì tổng nguồn năng lượng sạch có thể đạt đến 71%.
Một điểm sáng đáng chú ý là Bộ Công Thương đang đề xuất thí điểm cơ chế DPPA – cho phép các doanh nghiệp sử dụng điện lớn mua điện trực tiếp từ các nhà phát điện năng lượng tái tạo. Đây là bước tiến quan trọng trong việc tự do hóa thị trường điện, giúp các doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn năng lượng sạch, giảm chi phí và đạt các cam kết phát triển bền vững.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư hằng năm cho ngành điện được ước tính như sau:
Giai đoạn 2021–2030: 10,7 – 16,6 tỷ USD/năm
Giai đoạn 2031–2045: 15 – 25,3 tỷ USD/năm
Trong đó:
Nguồn điện: Chiếm 70–85%
Lưới điện: Chiếm 15–30%
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng đang đặt ra là giá điện bao nhiêu là phù hợp với người dân trong bối cảnh phát triển mạnh điện sạch. Từ ngày 11/10/2024, giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8%, lên mức 2.103,12 đồng/kWh, vẫn thấp hơn giá thành sản xuất của nhiều nguồn năng lượng tái tạo hiện nay.
Theo các chuyên gia, cần có lộ trình rõ ràng và minh bạch để vừa ổn định giá điện, vừa thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng truyền tải và phát triển nguồn điện sạch.
TSKH Trần Đình Long (Viện trưởng Viện Điện lực) cảnh báo: nếu 100% điện là năng lượng tái tạo thì ban đêm không có nắng, không có gió – lấy gì để cấp điện? Vì vậy, ngoài việc phát triển điện sạch, cần đầu tư song song hệ thống lưu trữ điện (battery storage), bổ sung linh hoạt bằng điện khí hoặc thủy điện tích năng.
Ngoài ra, việc khuyến khích tư nhân đầu tư truyền tải điện cũng được xem là giải pháp quan trọng để gỡ “nút thắt” hạ tầng khi nguồn điện tái tạo tăng mạnh, nhất là ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt (Viện Kinh tế và Chính sách) cũng lưu ý đến việc Bộ Công Thương đề xuất giãn tiến độ các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch nhưng chưa có nhà đầu tư sang sau năm 2030. Đây là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi chiến lược dài hạn của Việt Nam vẫn là phát triển xanh và giảm phát thải khí nhà kính. Ông đề xuất: “Cần tính toán cụ thể hơn trong 5–10 năm tới về mức giá điện hợp lý cho người dân, từ đó đảm bảo đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch thực sự hiệu quả và sát với thực tế hơn”.